Lịch sử hình thành Đại nguyên soái Liên Xô

Chức vụ Tổng tư lệnh (ГладКом) tồn tại trong Hồng quân từ trước năm 1935. Tuy nhiên đây chỉ là một danh xưng đặt ra cho các chỉ huy cao cấp của Hồng quân, nhưng chưa bao giờ được xếp vào phân hạng chính thức trong phân loại cấp bậc. Năm 1935, 5 chỉ huy cao cấp Hồng quân được trao quân hàm Nguyên soái, được xem như là tương đương danh xưng Tổng tư lệnh cũ.

Ngày 23 tháng 6 năm 1941, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Liên Xô được thành lập, gồm 7 người do Timoshenko làm Chủ tịch[1]. Đến ngày 30 tháng 6 năm 1941, thành lập Hội đồng quốc phòng Nhà nước đứng đầu là I.V. Stalin. Ngày 10 tháng 7 năm 1941, Hội đồng quốc phòng Nhà nước cải tổ Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh thành Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao gồm 7 người, do Stalin làm Chủ tịch[2]. Cùng ngày, Hội đồng quốc phòng cũng thành lập 3 Bộ tổng tư lệnh trên các hướng mặt trận: Mặt trận hướng tây-bắc do K.Y. Voroshilov làm Tổng tư lệnh, mặt trận hướng tây do S.K. Timoshenko, mặt trận hướng tây-nam do S.M. Budyonny.

Stalin trong quân phục Nguyên soái Liên Xô cạnh Churchill, Roosevelt tại Hội nghị Yalta 1945

Tuy vậy, đến ngày 19 tháng 7, I.V. Stalin chính thức nắm giữ chức Dân ủy Quốc phòng, ngày 8 tháng 8, bãi bỏ các Bộ Tổng tư lệnh trên các hướng mặt trận, đồng thời cải chức danh Chủ tịch Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh thành Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên Xô. Stalin liên tục giữ chức vụ Tổng tư lệnh tối cao đến hết tháng 9 năm 1945. Tuy nhiên, đây là một chức vụ chỉ huy, nó không bao hàm cấp bậc Đại nguyên soái như nhiều người vẫn lầm tưởng. Về cấp bậc quân sự, mãi đến ngày 6 tháng 3 năm 1943, Stalin mới chính thức nhận quân hàm Nguyên soái Liên Xô.